“Bỏ túi” ngay những bí quyết nhảy việc thành công

Một vấn đề cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm khi thay đổi công việc, đó là có nên tự mình làm chủ doanh nghiệp hay không, dù là một doanh nghiệp nhỏ.


Thay đổi một công việc – vốn đã rất quen thuộc với bạn luôn là một thách thức khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng phải xác định rằng, khi đối mặt với tình huống này, mỗi chúng ta cần có những sự chuẩn bị nhất định, để tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới trong công việc mới.

Cái đích đến của nhảy việc là gì?
Như đã nói ở trên, nhảy việc là một việc hết sức bình thường, tuy nhiên cần phải hiểu rõ vì sao mình thay đổi công việc. Theo đó, thay đổi công việc mang hàm ý mong muốn tìm được sự tiến bộ, sự thành công về mặt nào đó của cá nhân người nhảy việc.

Vậy bạn đã định nghĩa được thế nào là thành công trước khi chuyển việc chưa?
Nhiều người cho rằng, thành công mang tính ngắn hạn, ví dụ lương của bạn tăng 20%, thăng chức..v..v. Theo Bà Nguyễn Việt Thanh – CEO Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe, thì sự thành công của mỗi người được hình dung như những nấc thang. Và những nấc thang này có sự đi lên. Tuy nhiên, không chỉ là sự đi lên về mặt tài chính, mà ở khía cạnh nào đó còn là sự phát triển của những kỹ năng cá nhân, những điều chúng ta trải nghiệm, từ đó có sự đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp. Tương xứng với những sự phát triển này, cá nhân đó sẽ được tưởng thưởng với mức thu nhập xứng đáng.

Từ định nghĩa này, nhảy việc thành công là khi một cá nhân đưa mình lên một nấc thang mới. Vậy đầu tiên, công việc mới ấy phải phù hợp với bạn. Ví dụ như một người không thích hút thuốc lá, thì nếu họ chuyển đến một công ty thuốc lá để làm chỉ vì mức lương cao hơn nơi cũ, thì đó cũng không gọi là nhảy việc thành công. Đơn giản vì đã ghét thuốc lá, bạn không thể nào đi cùng chí hướng với mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của công ty đó, và dẫn đến kết cục là bạn sẽ phải chuyển qua một lĩnh vực khác. Như vậy, qua thời gian, bạn sẽ nhảy cóc theo chiều ngang, chứ không tiến lên một nấc thang nào cả.

Sau khi đã cân nhắc yếu tố đầu tiên là sự phù hợp, bạn mới cân nhắc đến những yếu tố tiếp theo như công việc này có thể giúp bạn học hỏi nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn, từ đó có sự tưởng thưởng xứng đáng hơn.

Chuẩn bị để nhảy việc thành công
Như đã đề cập ở trên, việc chuyển đổi sang một nghề nghiệp khác rõ ràng là một thử thách, như vậy bạn thực sự phải chuẩn bị từ trước khi nhảy việc.
Có một câu nói như sau ” Cơ hội thì đến với tất cả mọi người, nhưng người nắm bắt được cơ hội là người đã chuẩn bị từ lâu cho cơ hội đó.” Chính vì vậy, nếu ngay bây giờ, bạn đang mong muốn có được một công việc mà rất nhiều người mơ ước, thì bản thân bạn phải đầu tư ngay. Để sao khi cơ hội đến với mọi người, thì bạn là người tiềm năng nhất, có khả năng nhất trong nhóm đó để ứng tuyển.

Vậy, chúng ta nên đầu tư những gì, sau đây là một số gợi ý:
– Kiến thức và kỹ năng chuyên môn, bao gồm cả trong công việc hiện tại và công việc mà bạn đang hướng tới khi nhảy việc. Cơ hội sẽ hiện ra rõ ràng hơn khi bạn thực sự tập trung trau dồi bản thân trong quá trình cống hiến cho công việc. Và xin nhớ là cơ hội nhảy việc (thăng tiến) đó có thể nằm ngay trong tổ chức bạn đang làm việc, chứ không chỉ từ một công ty khác.

– Chất lượng hơn số lượng lần nhảy việc : nhiều doanh nhân có kinh nghiệm đều cho rằng họ không hẳn đánh giá cao CV của một người nhảy việc quá nhiều lần, dù cho những công ty họ kinh qua có thể là uy tín và nổi tiếng. Vì số lượng lần nhảy việc có thể cho người khác thấy bạn có nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng có thể cho thấy bạn chưa có sự đóng góp sâu sắc gì cho những công ty cũ. Vì vậy, người tuyển dụng sẽ e dè khi quyết định lựa chọn bạn cho vị trí tại công ty họ. Hãy cho nhà tuyển dụng mới thấy bạn có sự đóng góp quan trọng đối với công việc cũ của mình, có nghĩa là bạn sẽ phải bắt đầu làm việc chăm chỉ ngay từ hôm nay, nếu muốn có một CV có trọng lượng.

Chuyển từ “làm công” sang “làm chủ”
Một vấn đề cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm khi thay đổi công việc, đó là có nên tự mình làm chủ doanh nghiệp hay không, dù là một doanh nghiệp nhỏ. Vì họ sẽ có được sự chủ động về thời gian, có được quyền quyết định hoàn toàn cho công việc, hoặc đơn giản hơn : làm chủ nhanh giàu có hơn là nhảy việc nhiều lần nhưng vẫn với vị trí “làm thuê”…v..v

Hãy đặt cho mình câu hỏi, vì sao bạn muốn làm chủ một doanh nghiệp?
Lý do mong muốn làm chủ là một lý do chính đáng. Tuy nhiên hình như bạn đang chỉ nhìn thấy mặt tích cực của việc “làm chủ” của một ai đó, mà không thấy được con đường chông gai người ấy trải qua, có thể là 10 – 15 năm trước khi họ đạt được thành công ngày hôm nay.

Như vậy, lời khuyên của các doanh nhân là, nếu bạn thực sự có một niềm đam mê cháy bỏng về một sản phẩm, một dịch vụ có giá trị lợi ích cho rất nhiều người, bạn hãy nên bắt đầu. Tiếp theo đó, bạn sẵn sàng làm việc trong một thời gian dài mà không vì tiền, 24/24 trong vòng 5 năm, 10 năm, chịu tất cả mọi trách nhiệm cho công việc kinh doanh của mình, hy sinh những lợi ích khác trong cuộc sống cá nhân…. tất cả vì niềm đam mê của mình, bạn hãy chuẩn bị đơn xin nghĩ việc và nghĩ đến việc chuyển sang “làm chủ”!

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *