Kỹ năng thuyết phục khách hàng trong kinh doanh hữu hiệu nhất
Tóm lại, khách hàng phải cảm nhận được “lợi ích tuyệt đối” trong suốt cuộc thương thảo.
Có thể nói, quá trình hội nhập đã mở ra một thời kì mới cho các hoạt động kinh doanh hiện đại. Ở đó, khách hàng sẽ là nhân tố quan trọng nhất quyết định tất cả, từ doanh số, cạnh tranh cho đến lợi nhuận. Chính vì lẽ đó, trong các cuộc thương thảo ở thời điểm này, cách thuyết phục khách hàng làm sao để đạt hiệu quả cao nhất lại được đề cao hơn bao giờ hết.
1. Khách hàng là ai? Khách hàng muốn gì?
Rõ ràng là bạn sẽ không thể có cách thuyết phục khách hàng nếu như không biết được họ là ai và họ muốn gì. Thử tưởng tượng trong một cuộc giao tiếp mà bạn chỉ thao thao bất tuyệt, tôi là A, tôi muốn B, bạn nên làm C, bạn đừng làm D… sẽ chẳng có một khách hàng nào đủ kiên nhẫn để nghe hết từ A đến Z cả! Và càng tệ hơn nữa là trong khi bạn có thể nói “tất tần tật” về bản thân thì lại “quên” đi khách hàng của bạn là ai, thậm chỉ gọi nhầm tên, địa chỉ của họ. Nếu cuộc giao tiếp thật sự “rơi” vào tình huống này thì kết quả có lẽ bạn đã thấy trước… Vậy nên, kỹ năng thuyết phục khách hàng trước hết nên là kỹ năng ghi nhớ, ghi nhớ tất cả những thông tin của khách hàng, càng nhiều càng tốt! (tất nhiên chỉ là những thông tin cần thiết liên quan đến quá trình thương thảo)
Tiếp theo, điều quan trọng hơn nữa là sau khi bạn biết họ là ai, bạn phải biết khách hàng của bạn muốn gì. Kinh doanh hiện đại đã chỉ ra rằng muốn thành công bạn phải “bán cái khách hàng cần chứ không phải cái bạn sản xuất”. Và vì vậy, biết khách hàng muốn gì là điều kiện tiên quyết để có thể “đánh đúng tâm lí” và thuyết phục họ.
2. Lợi ích cuối cùng thuộc về khách hàng
Biết được khách hàng muốn gì thì kỹ năng tiếp theo bạn nên có đó là biết cách hướng cuộc hội thoại về kết quả: lợi ích cuối cùng thuộc về khách hàng. Trong một quyển sách nghiên cứu về văn hóa kinh doanh của các nước trên thế giới, tác giả Richard R. Gesteland đã nhấn mạnh rằng ở Nhật Bản (một trong những nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới), khái niệm “Customer is King” (khách hàng là vua) đang dần được thay thế bằng khái niệm “Customer is God” (khách hàng là thượng đế) để nói lên tầm quan trọng của khách hàng trong đời sống kinh doanh. Vậy nên, trong tổng hòa cuộc giao tiếp, hãy để khách hàng “hiểu” rằng sử dụng dịch vụ hay sản phẩm của bạn sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho họ, sẽ không thể có nơi thứ 2 có dịch vụ hoặc giá tốt hơn. Tóm lại, khách hàng phải cảm nhận được “lợi ích tuyệt đối” trong suốt cuộc thương thảo.
3. Kỹ năng giao tiếp sẽ quyết định tất cả
Sẽ không quá khi nói rằng kỹ năng giao tiếp sẽ quyết định việc thuyết phục khách hàng của bạn. Các “thủ thuật” về ánh mắt, cách chào hỏi, cách bắt tay, cách mỉm cười, cách nói chuyện… sẽ “ghi dấu” hình ảnh của bạn trong mắt khách hàng. Một ánh mắt thân thiện, một nụ cười “vừa phải” sẽ làm bạn đẹp hơn rất nhiều trong mắt người đối diện. Dáng điệu của bạn cũng nên để lại sự tự tin cần thiết để khách hàng có đủ niềm tin vào những điều bạn nói. Ngoài ra, những kỹ năng giao tiếp khác cũng cần được chú trọng, bởi vì bạn không nên (và không được phép) để lại bất kì một sai sót nào trong quá trình tiếp xúc. Bởi lẽ, một khi những “ấn tượng ban đầu” này tốt đẹp thì xem như bạn đã thành công một nửa, còn ngược lại, có lẽ sẽ rất khó khăn cho cuộc thương thảo của bạn.
4. Tạm kết
Sẽ chẳng có một kỹ năng nào có thể được hoàn thiện nếu như không có quá trình rèn luyện cũng như học hỏi lâu dài, kỹ năng thuyết phục khách hàng cũng không là ngoại lệ, trong khi tầm quan trọng của nó lại là điều không cần phải bàn cãi. Chính vì lẽ đó, để có thể đạt được thành công, bạn nên xây dựng cho mình kỹ năng này ngay từ hôm nay, và bắt đầu từ những thói quen giao tiếp nhỏ nhất!
Leave a Reply