Những kỹ năng đàm phán hiệu quả trong kinh doanh
Những kỹ năng này cần phải được rèn luyện qua thời gian cũng như kinh nghiệm sống, không phải có thể có được trong “một sớm một chiều”.
1. Tại sao phải đàm phán? Đàm phán để làm gì?
Giống như trước khi bước vào một cuộc chiến, bạn phải xác định được mục tiêu của mình là gì, thì khi bước vào bàn đàm phán bạn cũng cần vạch rõ đâu là những điều mình cần phải đạt được khi kết thúc đàm phán (và sẽ chỉ kết thúc khi đạt được những điều này). Xác định rõ ngay từ ban đầu, bạn sẽ dễ dàng hơn trong quá trình đàm phán, bởi bạn sẽ biết được đâu là những điều có thể nhượng bộ, đâu là những điều nhất định phải đạt được để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc, cuộc đàm phán sẽ đi theo những hướng khác ngoài tầm kiểm soát, không phải rõ ràng như bạn xác định ban đầu. Chẳng hạn, bạn dự tính nhất định phải đạt được A, có thể nhường đối phương B, nhưng nếu bạn được đề nghị nhận B+ và từ bỏ A, phương án mới này không ảnh hưởng nhiều lắm đến mục tiêu của bạn, thì rõ ràng một sự linh hoạt là cần thiết để có thể kết thúc đàm phán trong “thắng lợi”.
2. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
Một trong những kỹ năng đàm phán cần thiết khác đó là phải thật sự nhạy bén trong việc nhận biết được mục tiêu của đối phương. Bởi lẽ, cũng như đã phân tích, đối phương cũng sẽ có những điều có thể và không thể nhượng bộ. Biết được những điều này (tất nhiên chỉ là một phần nào đó, theo dự đoán của bạn), bạn sẽ có những phương án “tác chiến” thích hợp để giành được kết quả cao nhất.
3. Thương trường không phải chiến trường
Điều này ngày càng trở nên thiết thực hơn trong quản trị kinh doanh hiện đại, hiểu rõ điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn hiểu rõ một trong những kỹ năng đàm phán trong kinh doanh quan trọng. Bởi lẽ, khái niệm “win-win” (mọi người cùng thắng) đang ngày càng trở nên phổ biến trên thương trường. Một cuộc đàm phán kết thúc tốt đẹp không nhất định (và cũng không nên) là một cuộc đàm phán phải có kẻ thắng người thua. Kinh doanh hiện đại ngày nay đang dần chú trọng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, vì mục tiêu cùng có lợi nhuận, và, “chiến thắng” của người này không nhất định phải xây trên “thất bại” của người khác.
4. Hãy là “người chèo thuyền”
Nếu khái niệm “mọi người cùng thắng” được so sánh với hình ảnh 2 bên cùng ngồi trên một con thuyền hướng về đích, thì, kỹ năng đàm phán tiếp theo nên là hãy “biết chèo thuyền”. Trong một cuộc đàm phán, bạn hãy làm chủ cuộc giao tiếp, hướng nó đi theo ý của mình, đừng là người “chạy theo”. Để có thể làm được điều này không hề dễ dàng một chút nào, nó đòi hỏi bạn phải thật sự là một người khéo léo, có sức thuyết phục, giao tiếp”cực tốt” cũng như phải cực kì “tâm lí” trong mọi tình huống để có cách ứng phó phù hợp. Những kỹ năng này cần phải được rèn luyện qua thời gian cũng như kinh nghiệm sống, không phải có thể có được trong “một sớm một chiều”.
5. Không thành công cũng phải thành bạn
Tất nhiên, không phải cuộc đàm phán nào cũng đều có thể kết thúc tốt đẹp. Sẽ có (rất nhiều) lúc cuộc đàm phán sẽ phải đổ vỡ do bất đồng quan điểm cũng như không thể dung hòa lợi ích của 2 bên. Khi đó, hãy luôn ghi nhớ là “không thành công cũng phải thành bạn”, kỹ năng “kết bạn” cũng là một trong những kỹ năng đàm phán trong kinh doanh rất quan trọng. Bởi lẽ, thêm bạn thì bớt thù, chân lí ấy vẫn đúng, ít nhất là cho đến thời điểm này. Cuộc đàm phán này không thành công không có nghĩa là không còn lần đàm phán sau. Nếu bạn “trở mặt” ngay sau khi kết thúc, rất có thể đó cũng là dấu chấm hết cho những quan hệ hợp tác tiếp theo.
Leave a Reply