Kỹ năng lắng nghe không phải ai cũng biết!
Và một khi đã đạt được “mục đích”, thành công đến với bạn chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Từ câu chuyện học ngoại ngữ…
Ngày nay, khi mà sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia ở Việt Nam ngày càng nhiều, với mức đãi ngộ rất “đáng mơ ước”, thì nhu cầu học ngoại ngữ gia tăng để có thể “đổi đời” cũng là điều tất yếu. Các trung tâm Anh ngữ, Hoa ngữ thậm chí là cả tiếng Nhật, Hàn, Pháp, Tây Ban Nha… mọc lên như nấm. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, cũng không bàn đến việc học ngoại ngữ giúp thành công như thế nào, bởi vì dù sao, “nói” được thêm 1 ngoại ngữ khác cũng sẽ mang lại lợi ích cho bạn, không ở mặt này thì sẽ ở mặt khác. Tuy nhiên, có phải chăng chúng ta đang học “nói” quá nhiều mà quên đi một “việc” khác cũng cần phải học và quan trọng không kém, đó là “học lắng nghe”?
Lắng nghe – phải “lắng” mới có thể “nghe”
“Nghe” là một phản xạ tự nhiên nhưng “lắng nghe” lại là một nghệ thuật không phải ai cũng có thể làm được. Sự khác biệt chính là ở việc “lắng” – im lặng, thấu hiểu, lắng đọng cả về tâm hồn lẫn lời nói. Phải “lắng” trước rồi mới có thể “nghe”, tức là hãy thật sự đặt tâm trí của bạn vào việc nghe người đối diện nói, giống như đây là việc quan trọng duy nhất mà bạn cần làm trong thời điểm đó. Nghệ thuật thật ra chính là sự đồng cảm ở tâm hồn, khi bạn thật sự đặt sự đồng cảm của mình vào lời nói nguời khác, khi đó, chẳng cần làm gì cả, việc “lắng nghe” có thể cũng đã trở thành một “nghệ thuật”, ít nhất là trong mắt người đối diện! Nếu bạn thật sự đã “lắng” lại để “nghe”, cơ thể bạn sẽ tự nhiên phát đi những tín hiệu thân thiện (bao gồm cả ánh mắt, cử chỉ, dáng điệu, thái độ…) đến “tâm hồn bên cạnh”. Khi đó, họ sẽ dễ dàng cảm nhận được sự chân thành của bạn mà thôi.
Chìa khóa của thành công
Thật ra, thành công không chỉ có một con đường, mà có rất nhiều con đường, không chỉ có một cánh cửa, mà có rất nhiều cánh cửa. Vậy nên, để có thể “mở cửa thành công” bạn sẽ phải cần đến rất nhiều chìa khóa, và một trong số đó, chính là hãy biết “lắng nghe”, “biết” càng nhiều càng tốt! Bởi lẽ, bạn sẽ không thể thành công nếu chỉ sống một mình nơi hoang đảo như Robinson, tức là bạn sẽ phải (luôn) giao tiếp, mà muốn giao tiếp tốt, thì hãy biết “lắng nghe”. Tìm được sự đồng cảm ở người đối diện, bạn sẽ dễ dàng đạt được “mục đích” của mình hơn rất nhiều! Và một khi đã đạt được “mục đích”, thành công đến với bạn chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Tạm kết
Giống như con người khi sinh ra có 2 cái tai để nghe nhưng lại chỉ có 1 cái miệng để nói (ngoài ra còn phải dùng để ăn, và thỉnh thoảng có thể dùng để… thở), kỹ năng lắng nghe thật ra rất đơn giản, chỉ cần áp dụng đúng những gì ta đang có, tức là, hãy nói ít lại, nghe nhiều hơn. Và, như một đứa trẻ, trước khi học “nói”, phải dành rất nhiều thời gian đầu đời để “nghe”, chúng ta cũng hãy thử áp dụng phương pháp này, trong một cuộc hội thoại, hãy dành nhiều thời gian để nghe trước, sau đó mới nói. Từ đây, để biến “lắng nghe” trở thành một kỹ năng, thậm chí là một “nghệ thuật” của bản thân mình.
Leave a Reply